Bùi Tín: nhạc Trịnh nặng về tình cảm, tính chiến đấu còn yếu

Bùi Văn Phú

Ông Bùi Tín nguyên là Đại tá Quân đội Nhân dân và Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân. Năm 1990, nhân một chuyến công tác tại Pháp ông quyết định không trở về Việt Nam. Các tác phẩm của ông gồm có Hoa xuyên tuyết (1991), Mặt thật (1994) và Following Ho Chi Minh: the memoirs of a North Vietnamese Colonel (1995). Hiện sống tại Paris và ông thường xuyên viết trên Blog VOA Tiếng Việt.

*

Lần đầu tiên ông nghe nhạc Trịnh Công Sơn khi nào?

Đại tá Bùi Tín (ảnh John Spragens Jr.)

Sau khi Hiệp định Paris được ký vào tháng 1.1973, tôi vào Sài Gòn 60 ngày làm việc trong Ban liên hợp 4 bên đóng trong căn cứ Tân Sơn Nhất, đọc một số báo ở Sài Gòn có vài bài nói đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chỉ biết qua loa nhạc sĩ là sinh viên, người xứ Huế, làm thơ và sáng tác nhạc theo tư tưởng Phật giáo, chống chiến tranh chung chung. Đến sau 30.4.1975, vào Sài Gòn tôi mới nghe được một số băng ghi nhạc Trịnh Công Sơn.

Hồi ấy tôi chú ý và còn nhớ hai bài là “Người con gái Việt Nam da vàng” và “Đại bác ru đêm”. Tuy thái độ phản chiến, chống chiến tranh không thật rõ, không đứng hẳn về một phía nào cho rõ, lập trường còn có vẻ mơ hồ, nhưng thái độ ngậm ngùi, tình “yêu quê hương như yêu đồng lúa chín” và “hàng vạn tấn bom, em thơ giật mình…” đã là thái độ ngậm ngùi, đau buồn trước thảm cảnh chiến tranh rất đáng quý.

Trong thời chiến tranh có khi nào ban lãnh đạo báo Nhân Dân bàn về nhạc Trịnh?

Do dư luận nhân dân và bộ đội hồi ấy không hề biết gì đến Trịnh Công Sơn nên không ai bàn đến.

Riêng ông thời đó ông có được biết hay nghe nhạc Trịnh?

Hồi đầu năm 1973 tôi có nghe mấy băng ghi âm, rồi sau không còn chú ý gì nữa.

Từ 1970 đến 1975 ở miền Nam, nhiều người biết đến những lời ca của Trịnh Công Sơn:

Một ngàn năm nô lệ giặc tầu
một trăm năm đô hộ giặc tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của Mẹ để lại cho con
gia tài của mẹ là nước Việt buồn…

Ông nghĩ gì, có lý giải ra sao?

Tôi nghĩ, Trịnh Công Sơn có lý khi nói về nội chiến. Đây là cách nói gần với sự thật nhất. Trịnh Công Sơn bị cả hai phía lên án chính vì sự thật này. Một bên muốn khẳng định đây là “chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ và tay sai” và bên kia muốn nói đây là “chiến tranh xâm lược miền Nam của Cộng sản miền Bắc”. Nói nội chiến để chỉ ra sự phi lý, dại dột, để tự mình đặt dân tộc mình trở thành nạn nhân, bị kẹt cứng trong cuộc chiến trạnh lạnh, mà thật ra nóng bỏng, tàn bạo, giữa hai phe dân chủ và cộng sản. Nội chiến mù quáng, dại dột, phi lý nên trong 30 năm người Việt ta giết nhau hăng nhất, nhiều nhất, dài nhất, tàn bạo nhất, còn đem ra khoe hàng ngày trên báo trên đài.

Tôi đọc lại báo hồi ấy của cả hai bên mà buồn, mà đau. Cứ giết nhau nhiều là ăn mừng, khen thưởng, khoe với thế giới. Không thấy nhục!

Trưa 30.4.75 Trịnh Công Sơn lên đài Sài Gòn hát:

Mặt đất bao la anh em ta về
gặp nhau mừng như bão cát
quay cuồng trời rộng
bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam…

Ông có nghe lời ca đó và cảm nhận của ông ra sao?

Tôi có biết ngay chuyện này. Một việc làm có ý nghĩa hoà giải. Nhưng không hợp khẩu vị kiêu ngạo huênh hoang, lên gân, trả thù đối phương và chính sách thực tế là “chiếm đóng” của lãnh đạo cộng sản, nên không phát huy được tác dụng. Và ngay sau đó, những bài hát như thế bị tuyên huấn và công an văn hoá cấm, càn quét, hủy bỏ.

Ngày 30.04.1975 chiến tranh chấm dứt, hoà bình đến nhưng nhiều gia đình miền Nam không có niềm vui đoàn tụ vì người thân phải đi học tập cải tạo. Trịnh Công Sơn như đã tiên đoán hoà bình với những nét buồn:

Đêm nay hoà bình
sao mắt Mẹ không vui
mẹ hãy ra xem đường phố ngập người
Đêm nay hoà bình
mắt mẹ buồn như kinh
lời kinh đêm ru căn nhà lạnh
ru mẹ một mình, ôm bóng đêm…

Ông có thể cho biết cảm nhận của ông về hoà bình trên quê hương mình?

Với những lời ca như thế, Trịnh Công Sơn bén nhạy nói lên đúng tâm trạng u buồn, đau xót, bẽ bàng của xã hội, cả ở miền Nam và miền Bắc có pha ít nhiều cay đắng vì lãnh đạo bỏ qua một thời cơ lịch sử, thống nhất trọn vẹn cả về địa lý và tình tự dân tộc, thương yêu, đùm bọc nhau, chung sức dựng xây quê hương.

Có người nói Trịnh Công Sơn viết nhạc phản chiến, ý ông thế nào?

Ý thức phản chiến của Trịnh Công Sơn còn có vẻ mờ nhạt, không rõ ràng, phần nhiều là ẩn dụ, kín đáo. Vì con người Trịnh Công Sơn là nặng về tình cảm, kiểu nghệ sỹ, tính chiến đấu, tính chiến sĩ còn yếu, chỉ bàng bạc. Cũng đáng tiếc. Nhưng tạng con người là thế, mỗi người một vẻ. Được như thế, để cho đời chừng ấy tác phẩm được đông đảo người mến mộ ưa thích, mê say là quý lắm rồi.

Bên trời Paris ông có nghe nhạc Việt?

Có chứ. Tôi có nhiều băng nhạc. Băng Văn Cao, nhạc Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Đình Thi, băng Phạm Duy. Nhiều lần Phạm Duy sang Pháp đều ghé thăm tôi, vì ở cùng đơn vị hồi 1948.

Loại nhạc Việt nào ông thích nghe nhất và nó gợi cho ông những kỷ niệm gì?

Nhạc Văn Cao tôi rất thích. Âm hưởng bám theo dai dẳng từ thời tuổi trẻ. Nhớ và thuộc mãi. Nhạc Phạm Duy cũng lôi cuốn, nhưng theo tôi những bài trước 1950 vẫn là hay nhất, như “Sông Lô”, “Bà mẹ Gio Linh”, sau này chưa có bài nào hay hơn. Bài về Hà Nội có nhiều bài hay, có bài của Nguyễn Đình Thi. Bài “Nhớ mùa thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn cũng hay, tôi rất thích, như ngửi thấy mùi hoa sữa và ngắm cây cơm nguội, nhớ Hồ Tây, bầy sâm cầm nhỏ, vỗ cánh mặt trời…

Riêng nhạc Trịnh, có những ca khúc nào khác mà ông thích?

Tôi thích khá nhiều bài. Xa quê hương, nhớ lắm. Trịnh Công Sơn lại có tư duy tổng hợp, nhiều ẩn dụ, nhiều hình ảnh lạ mà quen ngay, pha triết lý nhân sinh của đạo Phật, rất thú vị. Chỉ có giọng điệu đều đều, âm điệu các bài gần gụi nhau, ít có nét nhạc phong phú giàu âm điệu. Mà thế cũng hay. Dễ nhận ra, dễ thuộc. Không trộn lẫn.

“Như một lời chia tay” ngậm ngùi, tha thiết, tưởng niệm. “Những hẹn hò từ nay khép lại, có nụ hồng ngày xưa rớt lại…” Bài “Cát bụi” do Khánh Ly hát: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi… Mặt trời soi một kiếp rong chơi… Chợt một chiều tóc trắng như vôi… Cát bụi tuyệt vời…”, “Một cõi đi về” do Vĩnh Trinh hát: “Trên đôi vai ta hai vầng nhật nguyệt. Trăm năm vô biên, chưa từng hội ngộ… Ngọn gió vô biên thổi suốt xuân thì…”

Nguồn: Bùi Văn Phú blog

About Admin

LIFE IS A JOURNEY!
Bài này đã được đăng trong Viết về Trịnh và được gắn thẻ , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này